• Zalo

Giá dầu thế giới giảm mạnh: Kinh tế Việt Nam chịu tác động gì?

Đầu TưThứ Tư, 22/04/2020 14:35:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo chuyên gia, giá dầu thế giới giảm sâu có ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, tuy nhiên giá xăng dầu trong nước không bị ảnh hưởng nhiều.

Theo báo cáo đánh giá về tác động của giá dầu thế giới đến kinh tế Việt Nam của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV được công bố vào cuối tháng 3, việc giá dầu thế giới liên tục giảm trong năm 2020 có những tác động tích cực lẫn tiêu cực đối với nền kinh tế.

Về mặt tích cực, giá dầu giảm làm giảm chi phí nhập khẩu, qua đó giúp giảm nhập siêu cũng như tiết kiệm cho Việt Nam một lượng ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam nhập siêu xăng, dầu từ năm 2015 đến nay.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tổng giá trị nhập khẩu xăng dầu năm 2019 của Việt Nam là 9,55 tỷ USD, giảm 830 triệu USD so với năm 2018; trong khi đó xuất khẩu xăng dầu là 3,94 tỷ USD, giảm 284 triệu USD. Nhập siêu xăng dầu năm 2019 là 5,6 tỷ USD, giảm khoảng 500 triệu USD so với 2018. 

Giá dầu giảm cũng tác động tích cực đến tiêu dùng của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Nhờ giá xăng dầu giảm, người dân tiết kiệm được chi phí (nhất là giao thông), từ đó tăng tiêu dùng cho nền kinh tế. Từ đầu năm 2020 đến tháng 3, giá xăng dầu 6 lần được điều chỉnh giảm, khoảng 30-40% (tùy loại) đã giúp người dân hạn chế chi phí, từ đó tăng chi tiêu cho các dịch vụ khác.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải, giá xăng dầu giảm giúp giảm chi phí đầu vào, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, cũng như cải thiện lợi nhuận nói chung. Ngành vận tải sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì tiêu thụ nhiều xăng dầu và chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí (35-40%). 

Giá xăng dầu giảm làm giảm áp lực lên lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung, chỉ số CPI bình quân quý 1 năm 2020 đã tăng 5,56% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 4 năm (cách xa mục tiêu 4%) trong khi lạm phát cơ bản tăng 3,05% so với bình quân cùng kỳ năm 2019 (cách khá xa mức điều hành thông thường khoảng 2-2,5%).

Giá dầu thế giới giảm mạnh: Kinh tế Việt Nam chịu tác động gì? - 1

Diễn biến giá dầu thế giới tác động tiêu cực đến ngành khai khoáng, nhất là dầu khí của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiều chi tiết có lợi song theo phân tích của nhóm tác giả, giá dầu thế giới giảm cũng có nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước. Đó là làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ dầu thô, trong bối cảnh Chính phủ tăng cường đẩy mạnh đầu tư công, để bù đắp sự sụt giảm từ đầu tư của doanh nghiệp và tư nhân do chịu tác động của COVID-19; sẽ khiến cân đối ngân sách khó khăn hơn, làm tăng thâm hụt ngân sách, nợ công.

Từ năm 2000 đến nay, tỷ trọng nguồn thu từ dầu thô trong cơ cấu thu NSNN giảm, từ mức bình quân 25% giai đoạn 2000-2008 xuống khoảng 13% giai đoạn 2009-2014 và hiện chỉ còn khoảng 4,7% giai đoạn 2015-2019. Tổng thu ngân sách từ dầu thô cũng giảm từ mức 115 nghìn tỷ đồng năm 2013 xuống chỉ còn khoảng 53 nghìn tỷ đồng năm 2019, chỉ bằng khoảng 46% năm 2012-2013 và bằng 54,3% năm 2014.

Ngoài ra, các loại thuế từ xăng, dầu (như thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) cũng bị ảnh hưởng, do giá dầu suy giảm. 

Diễn biến giá dầu cũng tác động tiêu cực đến ngành khai khoáng, nhất là dầu khí (hiện đang đóng góp khoảng 7,8% trong cơ cấu GDP). Đối với tập đoàn, doanh nghiệp khai thác dầu khí là hoạt động cốt lõi như PVN, PVD, GAS… thì giá dầu giảm xuống thấp sẽ làm giảm nguồn doanh thu, đẩy giá cổ phiếu giảm mạnh, và phải chịu sức ép thoái vốn từ các nhà đầu tư.

Theo đó, tiền nộp thuế thu nhập của những doanh nghiệp này vào NSNN cũng giảm tương ứng. 

Giá dầu thế giới giảm sốc liên tiếp nhiều ngày qua, đỉnh điểm là lần đầu tiên xuống dưới 0 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 21/4 đang thu hút sự chú ý của giới chuyên gia Việt Nam. Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc giá dầu giảm mạnh: "Thứ nhất là thị trường Mỹ mất cân bằng về cung cầu. Điều này thể hiện rất rõ kinh tế Mỹ đang suy thoái dẫn đến cung vượt cầu. Thứ 2 các kho lưu trữ xăng dầu của Mỹ đang quá tải. Thứ 3, đây là thời điểm thị trường tài chính Mỹ phải chốt hợp đồng phái sinh đối với xăng dầu, ngày chốt là 21/4 vì vậy nhiều nhà đầu tư phải bán luôn và không giữ lại nữa. Chính vì 3 nguyên nhân này dẫn đến việc giá xăng dầu bị âm".

Tuy nhiên, ông Lực nhìn nhận việc giá dầu giảm sâu chỉ mang tính chất cục bộ và tức thời, trong vài ngày tới nhiều khả năng giá dầu WTI và dầu Brent sẽ phục hồi trở lại.

"Mặc dù giá dầu tại thị trường Mỹ giảm sâu nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp xăng dầu của Việt Nam. Hiện tại chúng ta chủ yếu nhập xăng dầu thành phẩm từ thị trường Singapore, tại thị trường này giá dầu vẫn khoảng 22 USD/thùng", TS. Cấn Văn Lực nhận định.

 

Ngọc Khánh
Bình luận
vtcnews.vn